Thân thế Đường_Chiêu_Tông

Lý Kiệt sinh năm 867, dưới triều đại của vua cha Đường Ý Tông, ở phía đông hoàng cung tại Trường An.[4] Mẹ của ông là Vương thị, không rõ cấp bậc trong hậu cung. Bà dường như đã qua đời một thời gian ngắn sau khi hạ sinh Lý Kiệt.[6] (Do Lý Kiệt cũng được ghi là 'mẫu đệ' của Đường Hy Tông,[4] có vẻ như ông được Vương quý phi dưỡng dục.[6])

Năm 872, Đường Ý Tông phong cho Lý Kiệt tước hiệu Thọ vương. Vào năm 877, anh Lý Kiệt là Lý Nghiễm (nay đổi tên thành Lý Huân) trở thành hoàng đế, tức Đường Hi Tông, Lý Kiệt được trao chức Khai phủ nghi đồng tam ty, U châu[chú 1] đại đô đốc, Lư Long[chú 2] tiết độ sứ.[4] (Khi đó, Lư Long quân thực tế do quân phiệt Lý Khả Cử cai quản.[7]) Lý Kiệt đặc biệt thân cận với Đường Hy Tông, ông đã theo Đường Hy Tông chạy khỏi Trường An nhằm tránh quân khởi nghĩa nông dân do Hoàng Sào lãnh đạo vào năm 880.[4][8] Trong lần trốn chạy này, Lý Kiệt mới 14 tuổi âm, ông kiệt sức và yêu cầu Tả Thần Sách trung úy Điền Lệnh Tư trao cho một con ngựa; Điền Lệnh Tư từ chối và đánh Lý Kiệt, buộc phải đi tiếp. Sau đó, Lý Kiệt oán hận sâu sắc Điền Lệnh Tư.[2]

Năm 888, khi quân khởi nghĩa Hoàng Sào bị tiêu diệt và triều đình trở về Trường An, Đường Hi Tông lâm bệnh nặng. Cát vương Lý Bảo là hoàng đệ nhiều tuổi nhất còn sống của Đường Hy Tông, và được đánh giá là khôn ngoan, vì thế các quan lại trong triều muốn Lý Bảo kế vị Đường Hi Tông, song hoạn quan Dương Phục Cung lại ủng hộ Lý Kiệt, vì thế Đường Hi Tông đã ban chiếu chỉ phong Lý Kiệt làm hoàng thái đệ. Ngay sau đó, Đường Hi Tông qua đời, Lý Kiệt đổi tên thành Lý Mẫn, tức vị trở thành Đường Chiêu Tông. Trong thời gian quốc tang, tể tướng Vi Chiêu Độ là người phụ chính.[2]